Đặc trưng của Việt Nam, ngoài những truyền thống tốt đẹp còn thể hiện thông qua nền ẩm thực độc đáo. Một trong số những món ăn không thể thiếu của gia đình Việt trước và sau Tết là thịt đông, được yêu thích bởi rất nhiều người dân, đặc biệt là người miền Bắc. Trong bài viết này cùng Nguyễn Phượng chuyên gia dinh dưỡng của Lê Thanh Sơn tìm hiểu món ăn truyền thống này, và các cách chế biến cực kỳ ngon và vô cùng đơn giản mà bạn có thể tự tay làm tại nhà.
Mục Lục Bài Viết
Thịt đông – món ăn truyền thống của người miền Bắc
Trên khắp dải đất hình chữ S, món ăn ngày Tết không chỉ thể hiện nét đẹp về văn hóa, con người của vùng miền mà còn là sự đa dạng của nền ẩm thực lâu đời. Trong số đó, món thịt đông làm từ thịt giò là món ăn đặc sắc thể hiện sự sáng tạo, dấu ấn riêng của mỗi gia đình.
Nếu như miền Nam có thịt kho tàu ngày Tết, miền Bắc chắc chắn phải có thịt đông. Vào mùa lạnh, người miền Bắc thường có món thịt đông để sẵn trong nhà, vừa để dùng với cơm, vừa để đãi khách khi có người đến chơi, thể hiện sự hiếu khách của gia đình.
Thịt đông có thể được làm từ thịt giò lợn hoặc thịt gà, trong đó, thịt giò phổ biến hơn. Cách chế biến cũng đơn giản mà bất kỳ chị em nội trợ nào cũng có thể chế biến. Đây là món ăn giàu đạm, béo, vị ngon, giòn lạ miệng, có thể dùng kèm với cơm trong những bữa ăn gia đình ấm cúng hoặc để đãi khách dịp trước và sau Tết.
Hướng dẫn cách nấu thịt đông ngon nhất
Thịt đông làm từ thịt giò lợn, tai lợn và bì lợn. Cách chế biến không hề phức tạp, chỉ cần một chút thời gian và sự yếu thích, chắc chắn bạn sẽ có món thịt đông ngon để đón xuân về.
Nguyên liệu:
- Thịt chân giò: 1kg
- Bì lợn: 300gr
- Tai lợn: 200gr
- Nấm hương: 20gr
- Mộc nhĩ: 30gr
- Hành khô: 2 củ
- Gia vị, dầu ăn, tiêu hạt
Cách sơ chế:
- Bước 1: Chọn thịt chân giò tươi, còn bì (bì lợn phải trắng và sạch sẽ). Loại bỏ bớt phần mỡ thừa của thịt giò. Cạo sạch lông, cắt miếng nhỏ vừa ăn.
- Bước 2: Làm sạch tai lợn, cạo lông, khử mùi hôi bằng giấm và muối. Thái mỏng tai lợn. Nếu như không thích ăn tai lợn, có thể thay bằng bì lợn và thái mỏng giống như vậy.
- Bước 3: Chần thịt bằng cách cho phần thịt đã thái vào trong nồi nước sôi, thêm một chút muối, hành khô và gừng đập dập để khử mùi hôi của thịt. Sau khi chần thịt, xả lại với nước sạch và để cho ráo nước.
- Bước 4: Ướp thịt – cho 1 thìa nước mắm, hạt nêm, tiêu hạt đập vỡ, hành khô vào, trộn đều thịt và ướp cho thấm gia vị trong 30p.
- Bước 5: Ngâm mộc nhĩ – nấm hương đến khi chúng nở ra, rửa sạch với nước và thái miếng nhỏ vừa ăn hoặc thái dạng sợi. Lưu ý, không thái quá nhỏ (hạt lựu) sẽ làm mất độ giòn của nấm và mộc nhĩ.
Cách chế biến:
Bước 1: Xào nấm hương và mộc nhĩ
Cho dầu ăn vào chảo, phi hành cho thơm rồi cho nấm và mộc nhĩ vào đảo đều. Sau đó, nêm một chút đường, muối, bột nêm theo khẩu vị gia đình.
Bước 2: Xào thịt chân giò, bì lợn và tai lợn
Cho hỗn hợp thịt, bì, da lợn đã ướp 30 phút trước đó vào chảo, xào cho thịt chín và săn lại. Thêm một chút nước sao cho ngập phần thịt, ninh cho chín và mềm thịt trong khoảng 40 phút. Trong suốt quá trình xào thịt, cần vớt bỏ bọt để hỗn hợp nước có màu sắc trong và đẹp.
Bước 3: Xào hỗn hợp
Cho hỗn hợp nấm đã xào vào đảo đều với thịt, bì lợn và tai lợn, nấu thêm khoảng 5 phút nữa và tắt bếp. Ở bước này, có thể rắc thêm ít tiêu hạt để món ăn có vị thơm, cay cay lạ miệng.
Bước 4: Đông thịt
Đổ hỗn hợp ra bát hoặc khuôn và để nguội. Sau đó, cho vào tủ lạnh từ 4-6h để thịt đông lại. Thịt đông có màu trong veo là đạt yêu cầu. Nếu muốn trang trí cho món ăn thêm đẹp, bạn có thể cắt tỉa cà rốt, rau mùi và đặt dưới đáy bát hoặc khuôn trước khi đổ thịt vào đông. Như vậy, khi úp bát thịt đông lại, phần trang trí sẽ nằm ở trên vô cùng đẹp mắt.
Thịt đông có thể được ăn không hoặc ăn kèm với cơm, dưa mắm, củ kiệu sẽ càng chuẩn vị Tết.
Những lưu ý quan trọng giúp món thịt đông hấp dẫn nhất
- Bì là yếu tố quan trọng giúp thịt đông. Không có bì thì nên có tai lợn hoặc ngược lại. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên cho quá nhiều bì lợn/ tai lợn sẽ làm cho món ăn bị cứng, giảm vị ngon của thịt đông.
- Thịt đông chứa nhiều chất đạm và chất béo, vì thế không nên ăn quá nhiều dễ gây béo phì. Những người có tiền sử hoặc đang có vấn đề về chuyển hóa cholesterol cũng nên hạn chế dùng nhiều thịt đông.
- Dùng thịt đông với dưa chua, củ kiệu là mẹo chống ngán ngày Tết
- Bổ sung thêm trái cây và hoa quả những ngày Tết để giúp chuyển hóa chất béo, protein trong các món ăn ngày Tết, đặc biệt là món thịt đông.
- Để bảo quản thịt đông ngon, tránh bị ôi thiu, cần chia thịt đông thành các phần nhỏ đủ dùng cho mỗi lần ăn, bọc lại bằng màng bọc thực phẩm chuyên dụng, bảo quản lạnh và dùng trong khoảng 7 ngày.
- Nên dùng hết phần thịt đã lấy ra từ tủ lạnh, không nên bỏ thịt dư vào nồi hoặc bảo quản lại. Tuyệt đối không để lẫn phần thịt đông chưa dùng và đã dùng với nhau.
- Không để thịt đông vào tủ lạnh khi còn nóng. Hơi nóng gặp khí lạnh đột ngột sẽ dễ sinh ra vi khuẩn gây ảnh hưởng không chỉ món thịt đông mà các thực phẩm khác được giữ trong tủ lạnh.
- Thịt đông giữ trong tủ lạnh quá ngày sẽ có mùi hôi, bị nhớt. Tuyệt đối phải bỏ đi và không được dùng thịt đã bị hư hỏng này để bảo vệ sức khỏe.
Với những hướng dẫn cách nấu thịt đông ngon nhất vừa đơn giản vừa dễ làm, hy vọng bạn sẽ có món thịt đông thật ngon và hấp dẫn cho gia đình.