Một mùa Tết nữa lại sắp đến. Nhắc đến Tết, ngoài việc trang trí nhà cửa, những câu chúc lành, hoa và cây cỏ nở rộ, không thể không nhắc đến những món ăn ngày tết. Có thể nói, món ăn Tết truyền thống là linh hồn mỗi dịp xuân về. Hôm nay bằng kinh nghiệm của mình Suất ăn công nghiệp Lê Thanh Sơn sẽ tổng hợp món ngon ngày tết của 3 miền Việt Nam mà bạn không thể bỏ lỡ.
Mục Lục Bài Viết
Truyền thống và ý nghĩa tốt lành của ngày tết
Bất cứ thời điểm nào trong năm đều có những món ăn đặc trưng của nó. Đối với người Việt Nam, món ăn Tết còn đặc biệt hơn nữa. Mỗi món ăn là phong tục tập quán của tổ tiên từ ngàn năm trước. Dù xã hội có phát triển đến đâu, mùa Tết là mùa để những món ăn thay lời và điểm tô cho truyền thống, văn hóa Việt Nam thêm rực rỡ.
Chúng mang ý nghĩa tốt đẹp như:
- Cầu nối gắn kết các thành viên trong gia đình
- Cầu mong một năm mới thịnh vượng và may mắn
- Khát khao hạnh phúc, trổ đầy quả ngọt trong cuộc sống
- Nhìn lại những khó khăn, thử thách của năm qua và hướng đến một năm nhiều niềm vui, suôn sẻ hơn.
Món Tết cho miền Bắc
Mùa xuân trăm hoa nở rộ cùng với khí trời se se, phong tục, tập quán và các món ăn miền Bắc đặc trưng có tính cổ xưa, hình thức món ăn thường được chú trọng và cầu kì trong chế biến.
Bánh Chưng
Bắt nguồn từ thời Vua Hùng 16, đây là món ăn được Hoàng Tử Lang Liêu dâng lên Vua cha để thể hiện lòng biết ơn và hiếu thuận. Bánh chưng được làm từ nếp thơm và dẻo, nhân thịt mỡ, đậu xanh, hạt tiêu. Bên ngoài được gói bằng dong xanh. Bánh có hình vuông, tượng trưng cho đất trời, được nấu trong nồi to, đun bằng củi khô và nấu qua đêm.
Giò thủ
Giò thủ là món ăn không thể thiếu của người miền Bắc vào ngày Tết. Giò thủ được làm từ thịt heo, gân tai heo, nấm… được gói chặt thành hình trụ, bên ngoài bọc lá chuối. Sau khi luộc chín, giò thủ ăn vừa giòn, vừa dai. Chúng mang ý nghĩa cho sự đủ đầy, sum vầy và phúc lộc.
Thịt đông
Nhắc đến miền Bắc, nhất định phải có món thịt đông nổi tiếng. Món ăn này được làm công phu với chân giò, thịt heo, tai heo, nấm hương, mộc nhĩ. Gia vị gồm có hành, tiêu, gừng, nước mắm.
Sở dĩ gọi là thịt đông vì sau khi nấu chín, hỗn hợp thịt được đổ vào nồi hoặc khuôn rồi để vào tủ lạnh cho đông lại. Món ăn này được dùng khi để nguội chứ không dùng nóng như các món khác.
Nem rán
Hay còn gọi là chả giò, gồm nhân là thịt xay, nấm, mộc nhĩ, giá đỗ, khoai sắn, cuộn bên ngoài là bánh tráng mỏng. Khi rán lên, nem nóng, giòn tan trong miệng cùng vị béo ngậy, thơm ngon là món ăn Tết mà nhà miền Bắc nào cũng có.
Dưa hành
Dưa món rất quen thuộc với người Việt. Mỗi miền lại có món dưa món khác nhau. Người Bắc là dưa hành. Phần đầu hành (hành lá) hoặc củ hành tím được làm sạch và muối chua, ngâm đủ lâu và dùng để ăn kèm với bánh chưng hay các món ăn khác giúp chống ngán mà còn tăng thêm hương vị.
Món Tết cho miền Trung
Là miền đất khô cằn nắng gió, nên các món ăn của miền Trung thường có vị mặn và cay đặc trưng.
Chả bò
Nếu như miền Bắc có giò lụa thì miền Trung có chả bò. Màu sắc đỏ hồng đặc trưng của thịt bò, vị mặn vừa, cay, độ giòn và dai giúp món ăn này trở thành “quốc phẩm” không thể thiếu trong ngày Tết. Ngày nay, không những miền Trung, món ăn này cũng được ưa chuộng ở các vùng miền khác nữa.
Tôm chua
Món này là đặc sản của Huế. Tôm, tỏi ớt, riềng, khế chua, đu đủ bào sợi được trộn chung và ngâm chua. Món ăn có vị cay, mặn, chua hòa quyện, là món ăn kèm rất hấp dẫn và không thể thiếu vào dịp Tết.
Dưa món
Dưa món miền Trung đa dạng hơn gồm có các loại dưa leo, củ kiệu, cà rốt, củ hành (lá), củ cải trắng. Vị đậm đà vừa mặn, ngọt và cay, độ giòn giữ được lâu, dùng để ăn kèm với các món khác rất ngon.
Thịt ngâm mắm
Người miền Trung thích ăn mặn. Ngày Tết với họ không thể thiếu món thịt ngâm mắm. Đó có thể là thịt heo ba chỉ hoặc thịt bò, luộc chín rồi ngâm với nước mắm pha mặn mặn ngọt ngọt. Món này thường ăn kèm với dưa món hoặc cuốn bánh tráng với các loại rau sống.
Món Tết cho miền Nam
Món ăn Tết ở miền Nam có sự du nhập, kết hợp từ các món ăn của các vùng miền khác, tạo nên sự đa dạng và phong phú.
Bánh Tét
Tết miền Nam không thể thiếu bánh Tét. Nó gần giống với bánh chưng, nhưng được gói thành hình trụ vuông dài bằng lá chuối. Bên trong là nhân đậu xanh và thịt mỡ hoặc chuối (nhân ngọt). Ngày nay, người miền Nam còn sáng tạo hơn khi nấu bánh tét với nhân thập cẩm như thịt heo, gà xé, hạt sen, trứng muối, lạp xưởng…
Thịt kho hột vịt
Tết đến, hầu như nhà nào miền Nam cũng chuẩn bị sẵn một nồi thịt kho hột vịt to. Thịt heo nạc và mỡ đun mềm vừa, hột vịt luộc, kết hợp với nước dừa và gia vị tạo nên một nồi thịt làm ấm lòng các thành viên gia đình vào ngày Tết.
Củ kiệu
Là một loại dưa món, người miền Nam sử dụng củ kiệu ngâm chua để ăn kèm với các món ăn khác, đặc biệt là bánh Tét hoặc ăn chung với tôm khô. Chúng có vị nồng, cay, chua và thơm đặc trưng, tăng thêm hương vị cho các món ăn chính.
Lạp xưởng
Tết miền Nam không thể không có lạp xưởng. Có nhiều loại từ lạp xưởng thịt, lạp xưởng tươi, lạp xưởng khô. Khi ăn chỉ cần chiên qua với nước, ăn không hoặc ăn kèm khi cuốn bánh tráng đều rất ngon.
Canh khổ qua
Với ý nghĩa cầu mong sự an yên và vượt qua hết những khổ đau, cực nhọc, người miền Nam thường ăn canh khổ qua vào đầu năm. Khổ qua xanh nhồi bên trong là thịt xay với nấm hoặc chả cá thác lác, thêm chút hành, tiêu để tăng gia vị. Món ăn này vừa có ý nghĩa tinh thần vừa có tác dụng giải nhiệt, tốt cho sức khỏe.
Với gợi ý trên Phượng đã giúp bạn đọc biết được ý nghĩa và danh sách những món ăn ngon mà phổ biến, là truyền thống tốt đẹp của Việt Nam. Hãy để lại bình luận nếu bạn cần bổ sung thêm món ngon ngày tết nào nhé!